HỆ THỐNG WEBSITE VÀ ỨNG DỤNG daykemtainha.vn

Báo động trẻ chậm nói do cha mẹ ít trò chuyện với con

(16/04/2019)

Báo động trẻ chậm nói do cha mẹ ít trò chuyện với con

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng chậm nói là do trẻ thiếu sự quan tâm của cha mẹ.

Đặc biệt, trong những gia đình cha mẹ bận làm việc suốt ngày và trẻ được đặt trước màn ảnh truyền hình nhiều giờ từ trước 12 tháng tuổi.

Tại Đơn vị Tâm lý của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, trẻ chậm nói chiếm tới 45% tổng số bệnh nhi đến khám và điều trị.

Nỗi buồn không của riêng ai

Bé N.H.T, 3 tuổi con của chị Nguyễn Ngọc Quỳnh (đường Lý Chính Thắng, Q.3, TPHCM) có khuôn mặt trông rất thông minh nhưng chưa nói được. Khi đưa bé đến khám tại

Đơn vị Tâm lý (ĐVTL) - BV Nhi đồng 1, chị Quỳnh được các bác sĩ cho biết, bé bị chậm nói. Chị cho hay, sau khi sinh được 5 tháng, chị để bé ở nhà với bà ngoại và hầu như không ai nói chuyện với bé.

Hàng ngày bé được đặt nằm trong nôi xem tivi, còn bà ngoại lo việc nội trợ. Tối đến, khi vợ chồng chị đi làm về, chị cho bé bú rồi đi ngủ. Hiện nay, mỗi khi muốn đồ chơi hay đòi quà, bé thường khóc, đánh vào đầu hoặc đi tận nơi rồi chỉ.

Còn với bé N.T.X.N, ở tỉnh Bình Dương, khi mới 20 tháng tuổi rất hay nói và hát. Thời gian sau đó, khi bố mẹ đều đi làm, bé ở nhà với người giúp việc, rất ít nói chuyện. 30 tháng tuổi, bé có nhiều biểu hiện bất thường như không nói chuyện với người xung quanh, trả lời rất ít hoặc không trả lời khi được người xung quanh hỏi. Mỗi khi muốn làm một điều gì, bé kéo tay người khác và chỉ vào vật đó.

Bé L.M.Q, 21 tháng tuổi, cũng đang điều trị chứng chậm nói tại ĐVTL do được cưng chiều quá. Bé Q. là con trai duy nhất của một gia đình khá giả. Mỗi lần muốn gì, bé đập

phá đồ đạc, đập mặt hoặc nằm lăn giữa nhà. Khi được đưa cho đồ chơi bé rất thích nhưng lại không biết cách chơi.

Vì sao trẻ chậm nói?

Bác sĩ Phạm Ngoc Thanh - Trưởng ĐVTL Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết: Nguyên nhân trẻ chậm nói là do trẻ bị mất thính lực, chậm phát triển tâm thần, rối loạn ngôn ngữ, bệnh tự kỷ, nói lắp, loạn phát âm hoặc chậm nói không rõ nguyên nhân thể chất… Theo bác sĩ Thanh, chậm nói thường gặp ở độ tuổi từ 24 – 36 tháng, trong đó 3/4 là bé trai.

Chậm nói có nhiều mức độ: nhẹ là ít nói, nói từng từ và thích đồ chơi, nặng thì trẻ không nói được và không muốn chơi. Đặc biệt 1.000 trẻ mới sinh ra, có 1 trẻ mất thính lực. Trong 3 năm đầu đời, cứ 1.000 trẻ thì có 2 trẻ mất thính lực. Trong đó, 1/3 trẻ do bệnh bẩm sinh, 1/3 không do gene và 1/3 không rõ nguyên nhân. Nguyên nhân không do gene là do mẹ bị nhiễm cytomegalovirus (CMV) trong lúc mang thai.

Trẻ sinh non dưới 36 tuần thai hoặc trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai (trẻ sinh đủ tháng nhưng cân nặng lúc sinh dưới 2.500g) cũng có khả năng bị mất thính lực. Ngoài ra, bệnh viêm tai giữa có mủ cũng làm giảm thính lực. Những trẻ bị chậm phát triển tâm thần, chiếm đến 3% trẻ mới sinh, đều chậm nói. Trẻ bị rối loạn phát triển ngôn ngữ cũng bị chậm nói. Tỉ lệ trẻ trong nhóm này chiếm khoảng 5– 10% ở lứa tuổi mẫu giáo và thường trẻ trai mắc nhiều hơn trẻ gái (tỉ lệ 3:1).

 

Báo động trẻ chậm nói do cha mẹ ít trò chuyện với con

Hãy trò chuyện với trẻ

Bác sĩ Thanh khuyến cáo các bậc cha mẹ hãy dành thời gian xứng đáng để trò chuyện với trẻ. “Trẻ thiếu sự kích thích, quan tâm của cha mẹ cũng là một trong những nguyên nhân chậm nói.

Đặc biệt, trong những gia đình mà cha mẹ bận làm việc suốt ngày và trẻ được đặt trước màn ảnh truyền hình nhiều giờ từ trước 12 tháng tuổi.

Trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu tình thương, bị chấn thương cảm xúc, bị cha mẹ bạc đãi, bị lạm dụng tình dục cũng có thể làm trẻ chậm nói hoặc câm nín sau khi đã biết nói” - Bác sĩ Thanh nói.

Theo bác sĩ Ngọc Thanh, việc điều trị chậm nói cần có sự phối hợp liên ngành giữa y tế, giáo dục và ngữ âm trị liệu. Về mặt giáo dục, trẻ cần có chương trình giáo dục, đặc biệt sau khi trẻ được các nhà chuyên môn y tế đánh giá về mức độ phát triển thông minh và ngữ âm.

Ngoài ra, gia đình nên đưa trẻ đi đo thính lực nếu thấy trẻ có những biểu hiện bất thường. Nên khám thần kinh thường xuyên nếu trẻ có kèm thêm các dấu hiệu như chậm hiểu, có các dị tật đi kèm.

Đặc biệt, bố mẹ nên cho bé đi nhà trẻ và dành nhiều thời gian chơi với con. Với những gia đình quá bận thì mỗi tối nên dành ít nhất 1 tiếng để nói chuyện với trẻ. Không cho trẻ từ 2 tuổi trở xuống xem tivi, đối với trẻ từ 3 – 4 tuổi chỉ được xem tivi 1 tiếng/ngày

 

  • Bài viết khác